Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

Nhà cổ ở Cam Ranh

NGÔI NHÀ CỔ CÒN LẠI Ở THỊ XÃ CAM RANH

Trần Kiêm Hoàng

Theo danh sách thống kê của Trung tâm quản lý Di tích Danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa, tôi tìm đến nhà của ông Phan Văn Ích ở Xóm 3 Xã Cam Hải Đông Thị xã Cam Ranh. Dựng chiếc xe máy của mình từ ngòai cổng trụ sở UBND xã, tôi cầm kẹp hồ sơ đi thẳng vào phòng Văn thư để nhờ các anh trong xã chỉ hộ đường vào nhà. Vừa bước lên mấy bậc thang đã có một anh thanh niên hỏi –“Anh phải là anh H. không?”. Tôi rất ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên tôi đến đây, làm sao có người biết mình được?. Tôi nhìn lại người vừa hỏi mình, trả lời:

-Vâng, đúng tôi là H. đây, sao anh biết?

Người thanh niên cười thật tươi:

-Em trước là thanh niên tình nguyện ở xã Sơn Bình.

Bây giờ tôi mới nhìn kỹ anh thanh niên. “T. phải không? Chà, lâu lắm mới gặp lại đấy. Em về đây công tác từ khi nào?”. T. mời tôi vào phòng làm việc của anh. “Em về đây được gần một năm rồi anh à. Anh chuyển công tác rồi sao mà đến đây?”. Tôi trình bày công việc của mình về việc đi khảo sát nhà cổ trên địa bàn tỉnh.

T. cười nói:

-Anh đến trễ mất rồi. Nhà ông Ích đã bán cho người ta rồi còn đâu nữa. Thôi! Anh uống nước đi -vừa nói T. vừa đưa cho tôi tách nước trà. Câu trả lời này với tôi không lạ trong chuyến khảo sát nhà cổ cả tháng nay. Tuy nhiên lần này tôi cảm thấy hụt hẫng hơn nhiều so với tâm trạng khi đến Diên Khánh hay Vạn Ninh. Ở địa bàn khác trong tỉnh tôi lại có căn nhà khác để mà đến, vì những địa điểm này trong tay chúng tôi danh sách nhà cổ nơi ít nhất là 05 căn (Thành phố Nha Trang), hay là 6 căn ở Vạn Ninh. Riêng thị xã Cam Ranh trong danh sách chỉ duy nhất còn lại căn nhà này mà thôi.

Ngược dòng lịch sử hình thành và phát triển vùng đất này về mặt hành chính, Cam Ranh tuy còn mới mẻ nhưng đã có nhiều biến động, thay đổi. Kể từ năm 1653, khi chúa Nguyễn Phúc Tần lập ra dinh Thái Khang với 2 phủ và 5 huyện, qua các đời vua Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân đến Bảo Đại sau này với nhiều cách phân định ranh giới, lập các đơn vị hành chính khác nhau. Đến giữa năm 1939, Cam Ranh ngày nay vẫn là một phần đất của huyện Vĩnh Xương (gồm các tổng Thủy Triều, Cam Linh, Thịnh Xương và 6 tổng miền núi) giáp với tỉnh Ninh Thuận. cũng trong năm 1939, với Nghị định ngày 8-6 của toàn quyền Đông Dương Catrou và Chỉ dụ số 17 của Bảo Đại năm thứ 15, tách một phần đất của Ninh Thuận và huyện Vĩnh Xương lập một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa gọi là Nha đại lý hành chính Ba Ngòi, năm 1947 đổi thành quận Cam Lâm. Dưới thời Ngô Đình Diệm, qua 4 lần tách, nhập, đổi tên, đến cuối năm 1965, với Sắc lệnh số 206 ngày 25-10 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thị xã Cam Ranh được thành lập, bao gồm một phần đất của huyện Cam Lâm và phần đất đã nhập vào quận Du Long trước đó. Đồng thời, Nghị định ngày 27-12-1965 của chính quyền ngụy Sài Gòn lập quận Cam Lâm gồm 8 xã thuộc tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 2 năm 1968 lại lấy thêm 2 xã Cam Sơn và Cam Phú của quận Cam Lâm nhập vào thị xã Cam Ranh.

Dưới chính quyền cách mạng, để thuận tiện cho sự chỉ đạo từng thời kỳ, địa giới hành chính huyện Ba Ngòi cũng có một số thay đổi. Cuối năm 1949, nhập tổng Hòa Tân vào huyện Ba Ngòi. Đầu năm 1951, tách huyện Ba Ngòi thành 2 khu: khu đặc biệt Cam Ranh và huyện Khánh Sơn. Tháng 5-1976, nhập lại thành một huyện lấy tên chung là huyện Cam Ranh và đầu năm 1985 lại tách thành hai huyện Cam Ranh và Khánh Sơn.

Ngày 7-7-2000, huyện Cam Ranh được nâng lên thành thị xã Cam Ranh, và đang đổi thay rất nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng cả nước phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Đang suy nghĩ tôi giật mình vì cái vỗ vai của T.

-Anh suy nghĩ gì mà có vẻ trầm tư thế? Vậy bây giờ anh có ghé nhà ông Ích nữa không?

Tôi cười buồn:

-Ghé làm gì nữa em. Người ta bán mất rồi mà.

-Nhưng người mua cũng ở ngay đây thôi anh à!

Tôi mừng rỡ:

-Vậy thì hay quá! Ai mua? ở xóm nào đâu? Em dẫn anh đi nhé?

-Bây giờ em bận giải quyết một số công việc, em điện thoại trước cho chủ nhà rồi anh đến nhé!

-Được rồi, em giúp anh nhé!

T. nhấc điện thoại nói với chủ nhà mấy câu rồi bảo tôi:

-Em đã báo rồi. Bây giờ từ trụ sở ủy ban xã anh chạy xe về hướng Bắc khoảng non hai cây số, đến khu vườn trồng nhiều cây cảnh. Anh hỏi nhà ông Đỗ Mạnh Tưởng, còn gọi là ông Tưởng “bụng” người ta chỉ cho. Nhà ngay mặt đường thôi, dễ tìm lắm.

Tôi cám ơn T. rồi lên xe đi ngay. Con đường dẫn đến ngôi nhà cổ của người chủ mới không cần phải hỏi thăm nhiều, chỉ có một con đường duy nhất chạy ven theo bờ sông. Đúng như lời T. đã tả, qua khỏi khu vực trung tâm xã là tôi đã phát hiện ngay ngôi nhà mới lợp ngói móc ở giữa một khu vườn cây cảnh rất rộng ngay ven đường.

Tôi dắt xe để dưới bóng mát của một cây xòai nhỏ. Cái nắng trưa tháng ba ở đây không oi bức lắm nhưng có mùi mằn mặn của gió biển. Căn nhà gỗ chỉ có sườn nhà chứ xung quanh không hề có một tấm ván hay bất kì vật liệu gì để che chắn. Chủ nhà mới đã làm một nền nhà cao năm mươi phân chắc chắn để đặt khung nhà trên đó và nhà quay về hướng Đông Nam. Một điều thú vị ở đây chính là dù không có vách, không có cửa nhưng trong nhà vẫn bày biện đầy đủ bàn ghế, bộ ngựa, tủ đứng…Ấn tượng đầu tiên của tôi đó là vấn đề an ninh trong địa phương. Điều này tôi chưa từng thấy trong thời gian đi khảo sát trên địa bàn tỉnh. Trước đây, một thời gian tôi đã ở tại xã Phong Phú TP. Đà Nẵng với cư dân làm nghề biển. Điều ngạc nhiên của tôi lúc đó có lẽ cũng tương tự bây giờ. Nhà bà con ngư dân không làm cửa. Họ bảo để cho mát. Khi nghe nhắc chuyện mất trộm, họ chỉ cười và bảo: “từ xưa đến nay, ở đây chưa bao giờ có hiện tượng trộm cắp”. Tôi đi cũng khá nhiều nơi, nhưng sự an toàn này chỉ gặp đây là lần thứ hai….

Tôi nhìn quanh để tìm chủ nhà nhưng không thấy ai để mà hỏi thăm. Đi lần về phía sau nhà gần 100 mét tôi thấy một người đàn ông to cao, bận áo thun trắng, quần cộc ngang đầu gối đứng hướng dẫn cho một người khác đang cho cá ăn trong đìa. Tôi đoán chừng đây là ông Tưởng “bụng” như lời giới thiệu của T. Thấy tôi đến, ông ta quay lại chào- “Chào anh! chắc anh là người mà T. gọi điện giới thiệu với tôi lúc nãy”. Tôi gật đầu nhưng trong bụng vẫn bán tín bán nghi. Ông Tưởng mà tôi hình dung trong đầu là một ông già xấp xỉ 60 tuổi trở lên. Bởi chỉ có người già mới say mê dồ cổ, nhất lại là mua nhà cổ về chỉ để ngắm chơi. Đằng này, người đàn ông trước mặt tôi chỉ trạc ngòai bốn mươi. Nghĩ như vậy nên tôi nói:

-Vâng , chào anh! Tôi muốn gặp Ông Tưởng.

Người đàn ông cười:

-Thì tôi là Tưởng đây nè! Ủy ban xã lúc nãy điện báo là anh muốn xem qua ngôi nhà của tôi, mời anh vào trong này chơi.

Bây giờ tôi mới nhìn kỹ. Mà đúng thật, trước mặt tôi là một người đàn ông to lớn có cái bụng mà người ta thường gọi là “bụng bia”. Có lẽ vì thế nên người ta mới ghép tên với đặc điểm này thành ông Tưởng “bụng”. Tôi theo ông vào trong nhà. Vừa đi ông Tưởng vừa nói:

-Tôi có biết gì về nhà cổ đâu anh. Năm ngoái thấy nhà ông Ích ở xóm 3 đang xây nhà mới. Khi phát mấy cây xòai trước nhà để cho quang, mình mới phát hiện ra cái nhà này trong vườn của ổng. Mình vốn là dân miền Bắc vào đây sinh sống, có biết gì về chuyện nhà cổ hay nhà mới. Thấy nhà tòan là cột cây muồng, cây sầm , lại chạm đục rất khéo, mình hỏi chơi ai ngờ ổng bán thiệt. Vậy là mình mua luôn. Mất hai chục triệu đó anh!

Anh Tưởng (từ lúc biết anh chỉ mới trên 40 tuổi, tôi chuyển sang gọi anh cho tiện), mời tôi ngồi trên bộ ghế ngựa bằng gỗ gõ để giữa nhà. Bộ phản ba tấm lên nước bóng lóang. Tôi đoán đây là bộ phản bằng gõ mật mới đen nhánh như thế này. Thấy tôi nhìn quanh nhà, dường như anh hiểu thắc mắc của tôi, anh rót nước mời tôi uống và kể:

-Tôi mua nguyên khung nhà của ông Ích ở xóm 3 mất hai chục triệu, tiền thuê thợ tháo dỡ chở về đây mất thêm 5 triệu nữa đấy. Đã như thế nhưng có dựng được đâu anh! Cột kèo nhiều cái đã hỏng hết rồi, ngói một phần đã hỏng, phần khác lại bể trong khi tháo dỡ, chuyên chở về đây. Người ta bày bảo tôi ra Diên Khánh hỏi thăm ai bán tôi mua thêm khung nhà về để dựng – anh khoát tay một vòng – Toàn bộ đây là hai căn mới được như thế này. Cũng may là kích thước những căn nhà này đều tương tự như nhau, nếu có khác cũng không đáng kể. Nhưng nói chính xác thì bộ khung nhà ông Ích là chính, chỉ thêm bớt mấy thứ hư hỏng là được ngay một bộ khung hoàn chỉnh.

Tôi hỏi:

-Vậy bộ khung nhà mua ở Diên Khánh hết bao nhiêu tiền anh Tưởng?

-Ba chục triệu chẵn, chưa tính tiền chuyên chở từ đó về đây.

Tôi ngạc nhiên:

-Anh nói ở đây chủ yếu là khung nhà ông Ích, nhà Diên Khánh chỉ thêm một vài thứ phụ thôi sao mà đắt thế.

-Không đắt đâu anh! – Anh Tưởng cười- Khung nhà còn lại tui cất giữ kỹ trong kia. Tìm được cái nào tui mua thêm về dựng trong khu này thành một khu quần thể nhà cổ luôn. Tui mua ở Diên Khánh chủ yếu là đồ dùng trong nhà- anh chỉ cho tôi- bộ ngựa, ba cái bàn thờ, tủ, rương xe. Anh thử nghĩ xem, trong nhà cổ mà tòan là salon nệm, bàn lót kính, tủ ép bột mica thì coi sao được. Thôi! lỡ chơi thì chơi cho ra trò.

Nói xong, anh cười phá. Anh kể tiếp:

-Bao giờ dựng hòan thành cái nhà rồi tôi mới cho bà xã đến- gia đình anh hiện đang sinh sống tại thành phố Nha Trang, anh vào sống ở đây một mình để nuôi thủy sản - Bỏ ra gần một trăm triệu đồng mà khi chở về chất đống nhìn như củi mục. Phụ nữ thường xót tiền hơn cánh đàn ông mình. Bả mà thấy vậy bả không chi tiền nữa lại khổ thêm cho mình.

Anh Tưởng lại cười. Chỉ mới tiếp xúc anh chưa đầy một tiếng đồng hồ, anh đã tạo ấn tượng cho tôi là một người đàn ông rất lạc quan, nếu không nói là hơi “liều” và “tài tử”. Anh nói:

-Đất của tôi ở đây cũng khá rộng, tôi nuôi cá, nuôi mấy đìa tôm, nếu trúng là tôi lại tiếp tục đi tìm mấy ngôi nhà cổ người ta bán đem về đây dựng. Biết đâu sau này ở đây phát triển thành khu du lịch sinh thái. Không khí ở đây rất tốt, hợp với người già. Hiện nay nhiều người muốn bán để xây nhà mới ở. Cái anh nhà cổ này làm mới thì dễ chứ sửa chữa nó cũng tốn tiền lắm anh ạ. Tui phải ra tận Đại Điền ở Diên Khánh rước thợ về chứ không phải ai cũng làm được đâu.

Tôi chỉ mấy cái cột, kèo đã được sơn bóng loáng.

-Anh sơn loại gì đây? liệu có bền không?

Anh phẩy tay cười:

-Chà! Mình bỏ tiền ra bảo mấy ông thợ sơn lại xịt PU đấy. Lần sau mình không làm cái kiểu đó nữa.

-Sao lại không? – tôi ngạc nhiên- cũng đẹp mà anh.

Anh Tưởng “bụng” chỉ cho tôi xem mấy cái gốc cột, sơn đang lóc ra từng mảng nhỏ:

-Cột nhà cổ ngày xưa ông bà mình đã chọn loại cây rất tốt, càng lâu từ nó càng lên nước bóng đỏ rồi. Tôi sơn lên mà nó có “ăn” đâu, trời nắng, gió biển này làm nó tróc hết. Cứ để tự nhiên vậy mà đẹp hơn.

Tôi chỉ chân các trụ, hỏi anh :

-Tôi đến một số nhà cổ, các chân trụ chạm chân hình như chỉ có 4 cột chính. Nhà thì có, nhà thì không nhưng sao đây cột nào cũng có cả?

-Làm gì có. Nhà này cũng thế thôi. Khi mua về các chân cột đều không có chạm khắc gì cả. Tôi phải thuê thợ tiện làm đủ các chân cột cho đẹp, mẫu tiện theo các nhà cổ ở Đại Điền đấy.

Tôi ra ngòai đứng ngắm toàn bộ căn nhà. Điều khác hẳn của ngôi nhà này với các ngôi nhà cổ ở Huế mà tôi đã được thăm quan chính là mái nhà ở Huế có nét rất đặc biệt là không cao hơn vị trí của quan ngồi (quan ngồi trên xe kéo đi ngang nhà thì đuôi mái nhà phải thấp hơn mặt quan). Từ ngoài đường đi nhìn vào mái nhà ở Huế (nhà ở Quảng Nam cũng vậy) đều thấp. Có lẽ kết cấu mái nhà ở Huế thấp để tránh cái nóng của gió Lào. Ở đây, nhà anh Tưởng nhìn từ ngoài vào vẫn thấy tỉ lệ mái chiếm lớn hơn toàn bộ khung nhà, nhưng căn nhà nằm ở vị trí cao ráo vì vậy tạo nên cảm giác thoáng mát chứ không “lụp xụp”. Căn nhà tuy hòan thành gần cả năm nay nhưng tôi vẫn cảm thấy “thiêu thiếu” điều gì đó. Nghe tôi nói thắc mắc của mình, anh Tưởng bật cười:

-Do cái nhà bốn bề lộng gió, không có vách, cửa gì cả nên anh cảm tưởng như vậy chứ gì.

Tôi chợt ngẩn người ra. Đơn giản vậy sao mình nghĩ hoài không ra! Anh Tưởng nói:

-Do các bức vách đã quá nát, chỉ còn bộ cửa phía trước mà thôi. Tôi dự định sẽ kiếm ván thưng hay xây gạch chung quanh cũng được. Nhưng phải làm thế nào cho phù hợp với căn nhà chứ không thì bao nhiêu công sức sưu tầm của tôi đều trở thành công dã tràng hết.

Nghe anh nói tôi mới hiểu, hóa ra anh cũng rất tâm huyết và hiểu những điều mình đã , đang và sẽ làm có ý nghĩa như thế nào. Đang nói chuyện với tôi, chợt có tiếng chuông điện thoại. Anh nghe điện xong ra xin lỗi phải về Nha Trang gấp có việc gia đình.

Tạm biệt anh, tôi trở về Ba Ngòi. Ra đến đường, quay lại tôi thấy anh đang dặn dò điều gì đó với người trông coi đìa cá. Một làn gió thổi từ biển đến mát rượi, với tất cả sự chân thành của mình, tôi cầu chúc anh đạt được những ước mơ của anh. Có lẽ tôi sẽ gán thêm chữ “tốt” trước biệt hiệu người ta đã đặt cho anh – ông Tưởng “tốt bụng”- cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cam Ranh- tháng 3 năm 2007



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét