Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

Nhà cổ ở Cam Ranh

NGÔI NHÀ CỔ CÒN LẠI Ở THỊ XÃ CAM RANH

Trần Kiêm Hoàng

Theo danh sách thống kê của Trung tâm quản lý Di tích Danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa, tôi tìm đến nhà của ông Phan Văn Ích ở Xóm 3 Xã Cam Hải Đông Thị xã Cam Ranh. Dựng chiếc xe máy của mình từ ngòai cổng trụ sở UBND xã, tôi cầm kẹp hồ sơ đi thẳng vào phòng Văn thư để nhờ các anh trong xã chỉ hộ đường vào nhà. Vừa bước lên mấy bậc thang đã có một anh thanh niên hỏi –“Anh phải là anh H. không?”. Tôi rất ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên tôi đến đây, làm sao có người biết mình được?. Tôi nhìn lại người vừa hỏi mình, trả lời:

-Vâng, đúng tôi là H. đây, sao anh biết?

Người thanh niên cười thật tươi:

-Em trước là thanh niên tình nguyện ở xã Sơn Bình.

Bây giờ tôi mới nhìn kỹ anh thanh niên. “T. phải không? Chà, lâu lắm mới gặp lại đấy. Em về đây công tác từ khi nào?”. T. mời tôi vào phòng làm việc của anh. “Em về đây được gần một năm rồi anh à. Anh chuyển công tác rồi sao mà đến đây?”. Tôi trình bày công việc của mình về việc đi khảo sát nhà cổ trên địa bàn tỉnh.

T. cười nói:

-Anh đến trễ mất rồi. Nhà ông Ích đã bán cho người ta rồi còn đâu nữa. Thôi! Anh uống nước đi -vừa nói T. vừa đưa cho tôi tách nước trà. Câu trả lời này với tôi không lạ trong chuyến khảo sát nhà cổ cả tháng nay. Tuy nhiên lần này tôi cảm thấy hụt hẫng hơn nhiều so với tâm trạng khi đến Diên Khánh hay Vạn Ninh. Ở địa bàn khác trong tỉnh tôi lại có căn nhà khác để mà đến, vì những địa điểm này trong tay chúng tôi danh sách nhà cổ nơi ít nhất là 05 căn (Thành phố Nha Trang), hay là 6 căn ở Vạn Ninh. Riêng thị xã Cam Ranh trong danh sách chỉ duy nhất còn lại căn nhà này mà thôi.

Ngược dòng lịch sử hình thành và phát triển vùng đất này về mặt hành chính, Cam Ranh tuy còn mới mẻ nhưng đã có nhiều biến động, thay đổi. Kể từ năm 1653, khi chúa Nguyễn Phúc Tần lập ra dinh Thái Khang với 2 phủ và 5 huyện, qua các đời vua Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân đến Bảo Đại sau này với nhiều cách phân định ranh giới, lập các đơn vị hành chính khác nhau. Đến giữa năm 1939, Cam Ranh ngày nay vẫn là một phần đất của huyện Vĩnh Xương (gồm các tổng Thủy Triều, Cam Linh, Thịnh Xương và 6 tổng miền núi) giáp với tỉnh Ninh Thuận. cũng trong năm 1939, với Nghị định ngày 8-6 của toàn quyền Đông Dương Catrou và Chỉ dụ số 17 của Bảo Đại năm thứ 15, tách một phần đất của Ninh Thuận và huyện Vĩnh Xương lập một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa gọi là Nha đại lý hành chính Ba Ngòi, năm 1947 đổi thành quận Cam Lâm. Dưới thời Ngô Đình Diệm, qua 4 lần tách, nhập, đổi tên, đến cuối năm 1965, với Sắc lệnh số 206 ngày 25-10 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thị xã Cam Ranh được thành lập, bao gồm một phần đất của huyện Cam Lâm và phần đất đã nhập vào quận Du Long trước đó. Đồng thời, Nghị định ngày 27-12-1965 của chính quyền ngụy Sài Gòn lập quận Cam Lâm gồm 8 xã thuộc tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 2 năm 1968 lại lấy thêm 2 xã Cam Sơn và Cam Phú của quận Cam Lâm nhập vào thị xã Cam Ranh.

Dưới chính quyền cách mạng, để thuận tiện cho sự chỉ đạo từng thời kỳ, địa giới hành chính huyện Ba Ngòi cũng có một số thay đổi. Cuối năm 1949, nhập tổng Hòa Tân vào huyện Ba Ngòi. Đầu năm 1951, tách huyện Ba Ngòi thành 2 khu: khu đặc biệt Cam Ranh và huyện Khánh Sơn. Tháng 5-1976, nhập lại thành một huyện lấy tên chung là huyện Cam Ranh và đầu năm 1985 lại tách thành hai huyện Cam Ranh và Khánh Sơn.

Ngày 7-7-2000, huyện Cam Ranh được nâng lên thành thị xã Cam Ranh, và đang đổi thay rất nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng cả nước phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Đang suy nghĩ tôi giật mình vì cái vỗ vai của T.

-Anh suy nghĩ gì mà có vẻ trầm tư thế? Vậy bây giờ anh có ghé nhà ông Ích nữa không?

Tôi cười buồn:

-Ghé làm gì nữa em. Người ta bán mất rồi mà.

-Nhưng người mua cũng ở ngay đây thôi anh à!

Tôi mừng rỡ:

-Vậy thì hay quá! Ai mua? ở xóm nào đâu? Em dẫn anh đi nhé?

-Bây giờ em bận giải quyết một số công việc, em điện thoại trước cho chủ nhà rồi anh đến nhé!

-Được rồi, em giúp anh nhé!

T. nhấc điện thoại nói với chủ nhà mấy câu rồi bảo tôi:

-Em đã báo rồi. Bây giờ từ trụ sở ủy ban xã anh chạy xe về hướng Bắc khoảng non hai cây số, đến khu vườn trồng nhiều cây cảnh. Anh hỏi nhà ông Đỗ Mạnh Tưởng, còn gọi là ông Tưởng “bụng” người ta chỉ cho. Nhà ngay mặt đường thôi, dễ tìm lắm.

Tôi cám ơn T. rồi lên xe đi ngay. Con đường dẫn đến ngôi nhà cổ của người chủ mới không cần phải hỏi thăm nhiều, chỉ có một con đường duy nhất chạy ven theo bờ sông. Đúng như lời T. đã tả, qua khỏi khu vực trung tâm xã là tôi đã phát hiện ngay ngôi nhà mới lợp ngói móc ở giữa một khu vườn cây cảnh rất rộng ngay ven đường.

Tôi dắt xe để dưới bóng mát của một cây xòai nhỏ. Cái nắng trưa tháng ba ở đây không oi bức lắm nhưng có mùi mằn mặn của gió biển. Căn nhà gỗ chỉ có sườn nhà chứ xung quanh không hề có một tấm ván hay bất kì vật liệu gì để che chắn. Chủ nhà mới đã làm một nền nhà cao năm mươi phân chắc chắn để đặt khung nhà trên đó và nhà quay về hướng Đông Nam. Một điều thú vị ở đây chính là dù không có vách, không có cửa nhưng trong nhà vẫn bày biện đầy đủ bàn ghế, bộ ngựa, tủ đứng…Ấn tượng đầu tiên của tôi đó là vấn đề an ninh trong địa phương. Điều này tôi chưa từng thấy trong thời gian đi khảo sát trên địa bàn tỉnh. Trước đây, một thời gian tôi đã ở tại xã Phong Phú TP. Đà Nẵng với cư dân làm nghề biển. Điều ngạc nhiên của tôi lúc đó có lẽ cũng tương tự bây giờ. Nhà bà con ngư dân không làm cửa. Họ bảo để cho mát. Khi nghe nhắc chuyện mất trộm, họ chỉ cười và bảo: “từ xưa đến nay, ở đây chưa bao giờ có hiện tượng trộm cắp”. Tôi đi cũng khá nhiều nơi, nhưng sự an toàn này chỉ gặp đây là lần thứ hai….

Tôi nhìn quanh để tìm chủ nhà nhưng không thấy ai để mà hỏi thăm. Đi lần về phía sau nhà gần 100 mét tôi thấy một người đàn ông to cao, bận áo thun trắng, quần cộc ngang đầu gối đứng hướng dẫn cho một người khác đang cho cá ăn trong đìa. Tôi đoán chừng đây là ông Tưởng “bụng” như lời giới thiệu của T. Thấy tôi đến, ông ta quay lại chào- “Chào anh! chắc anh là người mà T. gọi điện giới thiệu với tôi lúc nãy”. Tôi gật đầu nhưng trong bụng vẫn bán tín bán nghi. Ông Tưởng mà tôi hình dung trong đầu là một ông già xấp xỉ 60 tuổi trở lên. Bởi chỉ có người già mới say mê dồ cổ, nhất lại là mua nhà cổ về chỉ để ngắm chơi. Đằng này, người đàn ông trước mặt tôi chỉ trạc ngòai bốn mươi. Nghĩ như vậy nên tôi nói:

-Vâng , chào anh! Tôi muốn gặp Ông Tưởng.

Người đàn ông cười:

-Thì tôi là Tưởng đây nè! Ủy ban xã lúc nãy điện báo là anh muốn xem qua ngôi nhà của tôi, mời anh vào trong này chơi.

Bây giờ tôi mới nhìn kỹ. Mà đúng thật, trước mặt tôi là một người đàn ông to lớn có cái bụng mà người ta thường gọi là “bụng bia”. Có lẽ vì thế nên người ta mới ghép tên với đặc điểm này thành ông Tưởng “bụng”. Tôi theo ông vào trong nhà. Vừa đi ông Tưởng vừa nói:

-Tôi có biết gì về nhà cổ đâu anh. Năm ngoái thấy nhà ông Ích ở xóm 3 đang xây nhà mới. Khi phát mấy cây xòai trước nhà để cho quang, mình mới phát hiện ra cái nhà này trong vườn của ổng. Mình vốn là dân miền Bắc vào đây sinh sống, có biết gì về chuyện nhà cổ hay nhà mới. Thấy nhà tòan là cột cây muồng, cây sầm , lại chạm đục rất khéo, mình hỏi chơi ai ngờ ổng bán thiệt. Vậy là mình mua luôn. Mất hai chục triệu đó anh!

Anh Tưởng (từ lúc biết anh chỉ mới trên 40 tuổi, tôi chuyển sang gọi anh cho tiện), mời tôi ngồi trên bộ ghế ngựa bằng gỗ gõ để giữa nhà. Bộ phản ba tấm lên nước bóng lóang. Tôi đoán đây là bộ phản bằng gõ mật mới đen nhánh như thế này. Thấy tôi nhìn quanh nhà, dường như anh hiểu thắc mắc của tôi, anh rót nước mời tôi uống và kể:

-Tôi mua nguyên khung nhà của ông Ích ở xóm 3 mất hai chục triệu, tiền thuê thợ tháo dỡ chở về đây mất thêm 5 triệu nữa đấy. Đã như thế nhưng có dựng được đâu anh! Cột kèo nhiều cái đã hỏng hết rồi, ngói một phần đã hỏng, phần khác lại bể trong khi tháo dỡ, chuyên chở về đây. Người ta bày bảo tôi ra Diên Khánh hỏi thăm ai bán tôi mua thêm khung nhà về để dựng – anh khoát tay một vòng – Toàn bộ đây là hai căn mới được như thế này. Cũng may là kích thước những căn nhà này đều tương tự như nhau, nếu có khác cũng không đáng kể. Nhưng nói chính xác thì bộ khung nhà ông Ích là chính, chỉ thêm bớt mấy thứ hư hỏng là được ngay một bộ khung hoàn chỉnh.

Tôi hỏi:

-Vậy bộ khung nhà mua ở Diên Khánh hết bao nhiêu tiền anh Tưởng?

-Ba chục triệu chẵn, chưa tính tiền chuyên chở từ đó về đây.

Tôi ngạc nhiên:

-Anh nói ở đây chủ yếu là khung nhà ông Ích, nhà Diên Khánh chỉ thêm một vài thứ phụ thôi sao mà đắt thế.

-Không đắt đâu anh! – Anh Tưởng cười- Khung nhà còn lại tui cất giữ kỹ trong kia. Tìm được cái nào tui mua thêm về dựng trong khu này thành một khu quần thể nhà cổ luôn. Tui mua ở Diên Khánh chủ yếu là đồ dùng trong nhà- anh chỉ cho tôi- bộ ngựa, ba cái bàn thờ, tủ, rương xe. Anh thử nghĩ xem, trong nhà cổ mà tòan là salon nệm, bàn lót kính, tủ ép bột mica thì coi sao được. Thôi! lỡ chơi thì chơi cho ra trò.

Nói xong, anh cười phá. Anh kể tiếp:

-Bao giờ dựng hòan thành cái nhà rồi tôi mới cho bà xã đến- gia đình anh hiện đang sinh sống tại thành phố Nha Trang, anh vào sống ở đây một mình để nuôi thủy sản - Bỏ ra gần một trăm triệu đồng mà khi chở về chất đống nhìn như củi mục. Phụ nữ thường xót tiền hơn cánh đàn ông mình. Bả mà thấy vậy bả không chi tiền nữa lại khổ thêm cho mình.

Anh Tưởng lại cười. Chỉ mới tiếp xúc anh chưa đầy một tiếng đồng hồ, anh đã tạo ấn tượng cho tôi là một người đàn ông rất lạc quan, nếu không nói là hơi “liều” và “tài tử”. Anh nói:

-Đất của tôi ở đây cũng khá rộng, tôi nuôi cá, nuôi mấy đìa tôm, nếu trúng là tôi lại tiếp tục đi tìm mấy ngôi nhà cổ người ta bán đem về đây dựng. Biết đâu sau này ở đây phát triển thành khu du lịch sinh thái. Không khí ở đây rất tốt, hợp với người già. Hiện nay nhiều người muốn bán để xây nhà mới ở. Cái anh nhà cổ này làm mới thì dễ chứ sửa chữa nó cũng tốn tiền lắm anh ạ. Tui phải ra tận Đại Điền ở Diên Khánh rước thợ về chứ không phải ai cũng làm được đâu.

Tôi chỉ mấy cái cột, kèo đã được sơn bóng loáng.

-Anh sơn loại gì đây? liệu có bền không?

Anh phẩy tay cười:

-Chà! Mình bỏ tiền ra bảo mấy ông thợ sơn lại xịt PU đấy. Lần sau mình không làm cái kiểu đó nữa.

-Sao lại không? – tôi ngạc nhiên- cũng đẹp mà anh.

Anh Tưởng “bụng” chỉ cho tôi xem mấy cái gốc cột, sơn đang lóc ra từng mảng nhỏ:

-Cột nhà cổ ngày xưa ông bà mình đã chọn loại cây rất tốt, càng lâu từ nó càng lên nước bóng đỏ rồi. Tôi sơn lên mà nó có “ăn” đâu, trời nắng, gió biển này làm nó tróc hết. Cứ để tự nhiên vậy mà đẹp hơn.

Tôi chỉ chân các trụ, hỏi anh :

-Tôi đến một số nhà cổ, các chân trụ chạm chân hình như chỉ có 4 cột chính. Nhà thì có, nhà thì không nhưng sao đây cột nào cũng có cả?

-Làm gì có. Nhà này cũng thế thôi. Khi mua về các chân cột đều không có chạm khắc gì cả. Tôi phải thuê thợ tiện làm đủ các chân cột cho đẹp, mẫu tiện theo các nhà cổ ở Đại Điền đấy.

Tôi ra ngòai đứng ngắm toàn bộ căn nhà. Điều khác hẳn của ngôi nhà này với các ngôi nhà cổ ở Huế mà tôi đã được thăm quan chính là mái nhà ở Huế có nét rất đặc biệt là không cao hơn vị trí của quan ngồi (quan ngồi trên xe kéo đi ngang nhà thì đuôi mái nhà phải thấp hơn mặt quan). Từ ngoài đường đi nhìn vào mái nhà ở Huế (nhà ở Quảng Nam cũng vậy) đều thấp. Có lẽ kết cấu mái nhà ở Huế thấp để tránh cái nóng của gió Lào. Ở đây, nhà anh Tưởng nhìn từ ngoài vào vẫn thấy tỉ lệ mái chiếm lớn hơn toàn bộ khung nhà, nhưng căn nhà nằm ở vị trí cao ráo vì vậy tạo nên cảm giác thoáng mát chứ không “lụp xụp”. Căn nhà tuy hòan thành gần cả năm nay nhưng tôi vẫn cảm thấy “thiêu thiếu” điều gì đó. Nghe tôi nói thắc mắc của mình, anh Tưởng bật cười:

-Do cái nhà bốn bề lộng gió, không có vách, cửa gì cả nên anh cảm tưởng như vậy chứ gì.

Tôi chợt ngẩn người ra. Đơn giản vậy sao mình nghĩ hoài không ra! Anh Tưởng nói:

-Do các bức vách đã quá nát, chỉ còn bộ cửa phía trước mà thôi. Tôi dự định sẽ kiếm ván thưng hay xây gạch chung quanh cũng được. Nhưng phải làm thế nào cho phù hợp với căn nhà chứ không thì bao nhiêu công sức sưu tầm của tôi đều trở thành công dã tràng hết.

Nghe anh nói tôi mới hiểu, hóa ra anh cũng rất tâm huyết và hiểu những điều mình đã , đang và sẽ làm có ý nghĩa như thế nào. Đang nói chuyện với tôi, chợt có tiếng chuông điện thoại. Anh nghe điện xong ra xin lỗi phải về Nha Trang gấp có việc gia đình.

Tạm biệt anh, tôi trở về Ba Ngòi. Ra đến đường, quay lại tôi thấy anh đang dặn dò điều gì đó với người trông coi đìa cá. Một làn gió thổi từ biển đến mát rượi, với tất cả sự chân thành của mình, tôi cầu chúc anh đạt được những ước mơ của anh. Có lẽ tôi sẽ gán thêm chữ “tốt” trước biệt hiệu người ta đã đặt cho anh – ông Tưởng “tốt bụng”- cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cam Ranh- tháng 3 năm 2007



Bãi biển Bình Ba

Bãi biển Bình Ba (xã Cam Bình - thị xã Cam Ranh) tuy không dài, rộng nhưng có những bãi cát mịn màng, đủ để níu chân những du khách yêu thích vẻ hoang sơ của biển. Du khách có thể ngồi trên những mỏm đá, lắng nghe tiếng sóng vỗ và ngắm mặt trời lặn…


Rời bến đò Cảng Ba Ngòi - Cam Ranh, Bình Ba đón bạn trong không khí nhộn nhịp của một bến tàu gần khu dân cư. Tuy nhiên, phía sau khu dân cư tấp nập lại là một không gian tĩnh lặng đến bất ngờ của những bãi biển.

Nơi ta đặt chân đến đầu tiên là bãi Nồm. Bãi Nồm tuy không dài, rộng như những bãi biển lớn nhưng sự mịn màng của bãi cát trắng thoai thoải đủ để níu bạn dừng chân. Gió mát rười rượi, không gian yên tĩnh. Nước biển trong vắt, ôm lấy những mỏm đá nhiều kiểu dáng. Ngồi trên những mỏm đá ấy, nghe tiếng sóng rì rào vọng vào vách núi bên cạnh, bạn sẽ cảm nhận được bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của bãi Nồm. Dân địa phương cho biết, vào mùa hè, bãi Nồm trở thành bãi tắm của ngư dân trên đảo. Những đêm có trăng, phong cảnh đẹp hơn nhiều, du khách ở thị xã Cam Ranh qua đảo thường tụ tập ở đây ngắm biển đêm và sinh hoạt vui chơi đến tận sáng.

Rời bãi Nồm, men theo con đường mòn đầy cây và hoa dại, bạn sẽ đến bãi Chướng. Do cách xa nhà dân nên bãi Chướng còn rất hoang sơ. Bãi Chướng hấp dẫn du khách không phải bởi cát mịn như bãi Nồm, mà bởi những vỏ ốc ngũ sắc rất đẹp, bởi những khối đá nhấp nhô dưới ghềnh, tung bọt trắng xóa, những vách đá dựng đứng cùng một số hang động gợi trí tò mò. Người thích mạo hiểm, có thể men theo sườn núi khám phá các di tích đã hoang phế như ụ đại pháo, lô cốt phòng thủ…, nguyên là khu vực đồn trú của quân Pháp trước đây, hay trèo lên những chóp đá cao ngắm sóng, thưởng thức vẻ đẹp của núi và biển lúc hoàng hôn, hoặc khám phá vẻ đẹp của san hô cùng nhiều loài sò, ốc, hến ngũ sắc sinh sống ở biển.

Ở đảo Bình Ba, người dân sống rất hiền hòa, thân thiện. Gần 700 hộ dân đều theo nghề biển, nuôi tôm hùm. Bình Ba vốn nổi tiếng với đặc sản duy nhất là cháo tôm hùm. Buổi trưa, du khách có thể len lỏi qua các con đường nhỏ hẹp, đến thưởng thức món bánh canh, bánh cuốn nhân hải sản trong khu dân cư, hoặc uống cà phê và hát karaoke khi đêm xuống. Ở đảo, không có quán ăn hay dịch vụ phòng nghỉ nên du khách cần nhớ mang theo hành trang khi dã ngoại. Bạn có thể thoải mái nhóm một đống lửa rồi nghỉ qua đêm ngoài trời tại bãi Nồm. Bạn cũng có thể dễ dàng nghỉ nhờ qua đêm ở nhà dân, bởi người Bình Ba rất hiếu khách. Đây cũng là cơ hội để bạn khám phá phong tục, tập quán của cư dân ở vùng đất giàu tiềm năng du lịch này.

Nguồn: website báo Khánh Hòa

Cam Ranh _ xưa và nay

CAM RANH QUA NHỮNG THỜI KỲ LỊCH SỬ

Từ năm 1653 - khi chúa Nguyễn Phúc Tần lập đơn vị hành chính dinh Thái Khang trên vùng đất nay là tỉnh Khánh Hòa - đến đầu thế kỷ XX, Cam Ranh là một phần đất của huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh (sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép địa giới của huyện Vĩnh Xương như sau: phía đông giáp biển, phía tây giáp động Mán, phía nam giáp đạo Ninh Thuận, phía bắc giáp huyện Phước Điền).

Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã khẳng định vùng đất này từ hàng ngàn năm trước đã có con người sinh sống. Năm 1979, di chỉ khảo cổ học Xóm Cồn bên bờ vịnh Cam Ranh (thuộc phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh) đã được phát hiện và sau đó được khai quật hai lần vào các năm 1980 và 1992. Hiện vật thu được trong các hố khai quật rất phong phú với các công cụ đá (rìu, bôn, công cụ chặt, bàn mài, hòn kê, hòn ghè, mũi khoan), rất nhiều đồ gốm, các loại xương thú, vỏ các loại nhuyễn thể biển ken dày giữa các tầng văn hóa. Năm 1990, trên các địa điểm thuộc đảo Bình Ba và Bình Hưng trong vịnh Cam Ranh, các nhà khoa học cũng đã tiến hành khai quật với quy mô lớn, kết quả thu được gồm nhiều loại rìu đá, đồ gốm, đồ trang sức bằng lõi ốc… Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã xác lập được một văn hóa khảo cổ mang tên địa điểm đầu tiên được phát hiện: văn hóa Xóm Cồn, có niên đại 4140 ± 80 năm cách ngày nay. Văn hóa Xóm Cồn không thuộc hệ thống văn hóa Sa Huỳnh, song chắc chắn có nhiều đóng góp vào sự hình thành văn hóa Sa Huỳnh sau này.



Di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh) - cách di chỉ Xóm Cồn khoảng 5km về phía Nam - được khai quật lần đầu tiên vào tháng 4-1998, và sau đó lần thứ hai vào tháng 4-2002. Hàng chục mộ chum, hàng ngàn tiêu bản gốm cùng nhiều di vật bằng đá, đồng, sắt, thủy tinh, mã não… có niên đại từ 2000 - 2500 năm cách ngày nay đã được tìm thấy. Kết quả thu được tại Hòa Diêm cho thấy đây là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng. Những đặc điểm về di vật ở đây phản ánh sự tiếp nối văn hóa với một số truyền thống từ Xóm Cồn trong sự phát triển lên giai đoạn Sa Huỳnh sau này ở Khánh Hòa.



Di chỉ khảo cổ học Văn Tứ Đông (xã Cam Hòa, Cam Ranh), cách Nha Trang 30km về phía Bắc và cách thị xã Cam Ranh 30km về phía Nam, thuộc loại hình di tích cồn sò điệp hay “đống rác bếp” (kjikkenmodding) lần đầu tiên được phát hiện và khai quật tại Khánh Hòa (tháng 7-2006). Toàn bộ di chỉ được bao bọc bởi một khe suối cổ được gọi là suối Bến Cọp. Địa tầng di chỉ Văn Tứ Đông có cấu trúc chủ yếu là vỏ sò điệp ken dày do người cổ thải ra sau khi bắt về ăn. Trong 2 hố khai quật có địa tầng sâu trung bình 120 cm với tổng diện tích 75m2 của đợt khảo sát này đã thu được 261 hiện vật (gồm 151 đồ đá, 84 mũi tên bằng xương và 26 đồ gốm), hàng vạn mảnh gốm, nhiều xương động vật, 4 vết tích bếp lửa và 1 hố đất đen. Di tích Văn Tứ Đông là một làng chài cổ ven biển có niên đại vào khoảng 3.000 - 3.500 năm trước.

Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ đường xá Việt Nam do nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã thấy có tên Cam Ranh môn (cửa biển Cam Ranh). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy chép địa danh Cam Linh môn (cửa biển Cam Ranh) và còn ghi chú: Cam Linh môn thâm đại (cửa biển Cam Ranh rất sâu). Đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất của người Việt ghi chép về địa danh này.

Về mặt ngôn ngữ, Cam Ranh (tên Nôm) chắc chắn có trước Cam Linh (tên Hán-Việt). Dưới thời phong kiến, khi hệ thống làng Việt đã hình thành và tương đối ổn định, các tên Nôm làng xã đã được Hán hóa để tạo ra một lớp địa danh Hán-Việt tiện lợi cho việc khai báo, ghi chép vào sổ bộ phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp. Trong mối tương quan giữa các địa danh thuần Việt và địa danh Hán-Việt, ta thường thấy có sự chuyển đổi giữa cặp phụ âm đầu r / l, chẳng hạn: Nha Ru / Nha Lỗ (tên cổ của huyện Ninh Hòa); Phan Rang / Phan Lang… Từ đó có thể thấy tên Cam Linh là kết quả của sự Hán hóa Cam Ranh theo cách:

- Cam ---> Cam (một yếu tố của tên Nôm được chuyển sang Hán-Việt bằng cách dùng một ký hiệu Hán đồng âm nhưng không đồng nghĩa)

- Ranh ---> Linh (một yếu tố của tên Nôm được phiên âm Hán-Việt bằng một ký hiệu Hán tương ứng).

Đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Cam Ranh hoặc Cam Linh, ngoại trừ những lý giải mang tính “từ nguyên học dung tục” rất võ đoán và khó kiểm chứng, như thuyết cho rằng tên Cam Linh là do chúa Nguyễn Ánh đặt cho vùng đất này với ý nghĩa là “vùng đất ngọt linh thiêng” - từ sự việc thủy quân Nguyễn đổ bộ lên bán đảo Cam Ranh tìm nước ngọt và phát hiện ra hồ nước trên núi Phượng Hoàng (?).

Một tài liệu khác có thể cho ta biết tường tận xã hội Đàng Trong vào đầu thế kỉ XVIII là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (viết năm 1776 khi ông trấn nhậm hai đạo Thuận - Quảng). Qua sự ghi chép tỉ mỉ của tác giả, chúng ta biết được tuần Cam Ranh (thuộc phủ Diên Khánh) tiền thuế là 105 quan 3 tiền, một mức thuế khá cao so với nhiều cửa biển lân cận, cho thấy quy mô giao thông, buôn bán, khai thác thủy sản ở cửa biển Cam Ranh vào thời đó đã khá tấp nập, sầm uất.

Trong các bài vè các lái kể lại thủy trình của những người đi buôn hoặc chuyên chở hàng hóa bằng ghe bầu trên tuyến đường biển Bắc-Nam vào các thế kỷ trước cũng thấy nhắc đến địa danh Cam Ranh hoặc Cam Linh, chẳng hạn như đoạn sau đây:

“… Ngó mù mù Hòn Nồm chỗ đó

Qua Hòn Nồm mới tỏ Cam Ranh

Vũng Găng đá vách như thành

Vũng Găng đá vách xung quanh như buồm …”

Hoặc:

“… Nhìn ra Nội, Ngoại sóng xao

Vát mũi chạy vào Bãi Dài, Con Nghê

Chụt đèn ngó xuống chỉnh ghê

Ngó về Hòn Tý dựa kề Cam Linh

Mò O, Dỏ Tó rất xinh

Lại thêm Đá Vách dựa kề Vũng Găng

Vũng Găng Đá Vách tựa thành

Hai bên núi tấn vây quanh như buồng…”

Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (được xem là tài liệu địa dư quan trọng nhất của nước ta ở thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cung cấp nhiều dữ kiện về địa lý tự nhiên của vùng đất Cam Ranh:

1. Về núi non, có:

- Núi Yên Đỗ: ở phía nam huyện Vĩnh Xương 50 dặm, phía tây liền với thôn Diêm Nại, bắc tiếp trạm Hòa Du (ở thôn Thủy Triều, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc địa bàn xã Cam Hải Đông, thị xã Cam Ranh - NVT), đông gối bờ biển, tả hữu có gò cát. Thế núi rộng lớn, đỉnh đồi trùng điệp, rất nhiều hòn nhỏ, duy lấy ngọn núi này làm chủ.

- Núi Hòa Quân: ở phía nam huyện Vĩnh Xương 91 dặm, phía đông sông Tam Độc (Ba Ngòi), làm trấn cho cửa tấn Cam Ranh.

- Núi Lữ: ở phía nam huyện Vĩnh Xương 115 dặm. Thế núi sừng sộ cao lớn, phía tây có các dẫy núi liên tiếp, đều là chỗ mán lèo cư trú, phía đông gần đường trạm.

- Núi Hiệp Mỹ: ở phía tây nam huyện Vĩnh Xương 111 dặm. Trước kia tên là núi An Mỹ, năm Tự Đức thứ 5 (1852) đổi lại tên này, vì giới hạn của núi ở giữa 2 hộ Khánh Hiệp và Khánh Mỹ. Thế núi quanh co, đi xuống đông chia làm núi Phong Lãnh và núi Hòa Quân, gối trên cửa biển lớn Cam Ranh. Có bãi cát kéo dài vài mươi dặm.

- Núi Thạnh Đức (hiện nay có tên là núi Phượng Hoàng - NVT): ở phía đông nam huyện Vĩnh Xương 88 dặm. Trước kia tên là núi Đông An, năm Tự Đức thứ 15 (1862) đổi lại tên này. Mạch núi từ núi Hoàng Ngưu (Đồng Bò) trải qua một dãy bãi cát, nối liền bờ biển rồi chạy xiên về phía nam, đột khởi lên một ngọn núi cao che kín cửa biển Cam Ranh. Quanh núi bày ra những động cát trùng điệp, có một cái hồ ở dưới chân núi, nước rất trong mà phẳng lặng tục danh là Ao Tương (nay gọi là Ao Hồ - NVT). Phía tây núi này nứt ra một núi nhỏ che cửa biển gọi là Hòn Lang, phia nam nứt ra một núi nhỏ che cửa biển gọi là Hòn Tranh, ở đây có dân cư, phía đông nam cũng nứt ra một núi gọi là Hòn Khô, ở phía bắc có Cửa Bé, ngoài cửa biển ấy có các đảo nhỏ là Hòn Nội, Hòn Ngoại.

- Núi Phong Lãnh: ở phía đông nam huyện Vĩnh Xương 163 dặm, giáp giới huyện An Phước đạo Ninh Thuận. Phía đông gối bãi cát, có đầm Vũng Găng, phía nam tiếp giáp mỏ cát đảo Hòn Tai.

2. Về sông ngòi, có:

- Sông Tam Độc (tức Ba Ngòi): ở phía nam huyện Vĩnh Xương 85 dặm. Phát nguyên từ trong các động Mán Bồng Lam, Bạch Cân, chảy xuống đông nam chia làm 3 chi: một chi theo thôn Thượng Nguyên chảy xuống đông nam 11 dặm; một chi theo thôn Diêm Nại chảy xuống đông nam 4 dặm; một chi theo thôn Nhược Đỗ chảy xuống đông nam 4 dặm, rồi có Khe Dầu từ thôn Hiệp Mỹ đến nhập lại, chảy ra đầm Thủy Triều, chuyển qua hướng đông chảy đến thôn Thạnh Đức phóng ra cửa biển Cam Ranh.

3. Về đầm, vịnh, cửa biển, có:

- Đầm Thủy Triều: ở phía nam huyện Vĩnh Xương 43 dặm, bốn phía là bãi cát, dồn nước sông Ba Ngòi chảy ra cửa biển Cam Ranh.

- Đầm Vũng Găng: ở cực nam huyện Vĩnh Xương, cách huyện 113 dặm, chu vi hơn 20 dặm.

- Vịnh Cam Ranh: ở phía đông nam huyện Vĩnh Xương 88 dặm, chu vi 79 dặm. Trong vịnh có đá rạng.

- Cửa tấn Cam Ranh: ở phía đông huyện Vĩnh Xương 88 dặm, rộng 400 trượng, sâu 50 trượng. Phía tả có Mũi hòn Lang, phía hữu có Hòn Lang, ngoài có Hòn Tranh, chu vi dài 19 dặm, có dân cư thôn Bình Ba ở đấy. Thuở xưa có đặt 1 chức Thủ ngự và 1 chức Hiệp thủ, sau bãi bỏ.

Đến đầu thế kỷ XIX, Cam Ranh - Ba Ngòi hầu như vẫn còn là một vùng đất hoang vu, hẻo lánh, nơi triều đình đày các tù phạm bị tội lưu đến khai khẩn, làm ruộng. Cho đến cả trăm năm sau đó, dân cư vùng này vẫn còn khá thưa thớt. Rải rác vài thôn làng người Việt ở Hòa Tân, Lập Định, Thủy Triều, Ba Ngòi, Cam Linh, Bình Ba… Ở vùng Ba Ngòi, Đá Bạc trở vào, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai vốn là dân bản địa lâu đời, sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Ở Cồn Sung (bán đảo Cam Ranh) và Bãi Lao (bán đảo Mũi Hời) có độ vài nhóm người Đàng Hạ. Cả một vùng đất rộng lớn phía nam huyện Vĩnh Xương thời đó mà Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi nhận có một ngôi chợ nhỏ là chợ Thủy Triều, ở thôn Thủy Triều ven biển.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, năm 1901 một người Pháp là hầu tước De Barthelemy đến lập nghiệp ở Cam Ranh. Nhìn thấy triển vọng rực rỡ của vùng vịnh này, ông ta xin cấp nhượng mấy ngàn héc-ta đất để khai khẩn, lập nhà cửa, mở ruộng muối, khuếch trương nghề cá, lại in hình ảnh, bản đồ cửa biển Cam Ranh để quảng cáo ra nước ngoài. Tuy nhiên ý định mở mang Cam Ranh của ông đã thất bại vì không được chính quyền thuộc địa và giới tư bản mẫu quốc ủng hộ.

Tuy vậy, vùng đất Cam Ranh cũng đã có những bước phát triển nhất định để trở thành một đơn vị hành chính độc lập. Dưới thời Duy Tân (1907-1916), chính quyền thực dân cắt một phần đất huyện Vĩnh Xương lập thành tổng Cam Ranh.

Ngày 8/ 6/ 1939 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị Định lập Nha Đại lý hành chính Ba Ngòi trực thuộc tỉnh Khánh Hoà.

Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, vùng đất này trải qua nhiều lần tách, nhập, đổi tên. Tháng 7/1951 huyện Cam Lâm gọi là Nha kiêm ký Bang tá Cam Lâm, trực thuộc Tòa Tỉnh trưởng Khánh Hòa. Đến tháng 12/1954 Nha Bang tá Cam Lâm đổi là Nha Đại diện hành chánh Cam Lâm.

Ngày 17/5/1958 Nghị định số 216-BNV/NĐ giải thể Nha Đại diện hành chánh Suối Dầu, sáp nhập vào địa hạt Cam Lâm lập thành một quận mới gọi là quận Cam Lâm, gồm cả vùng bán đảo Cam Ranh và vịnh Cam Ranh.

Ngày 6/ 4/ 1960 sắc lệnh số 84-BNV tách các xã Cam Thọ, Cam Ly, 2 thôn Ma Dú và Sông Cạn (xã Cam Lục), thôn Trại Láng (xã Cam Lương) và một phần đất thôn Hòa Diêm (xã Cam Lộc) thuộc quận Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa sáp nhập vào quận Du Long thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Nguồn: http://dulichvietnam.asia/vn/?product.cat.146

Độc đáo chùa Từ Vân



Có người gọi tên là chùa San Hô, hay là chùa Ốc nằm trên đường 3-4, Cam Ranh, cách Nha Trang 60 cây số về hướng nam. Chùa Từ Vân hiện nay trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tìm tới và đã được các tour du lịch thiết kế chương trình trong cuộc hành trình từ TP.HCM đến Nha Trang.
Mặc dù tuổi xây dựng của ngôi chùa mới từ năm 1968 đến nay. Trong ngần ấy thời gian, công sức của các nhà sư tại chùa đã biến nơi này thành một nơi kỳ ảo, hòa quyện với thiên nhiên trong không gian cổ kính rêu phong như đã được xây dựng từ mấy trăm năm trước nhiều người tìm đến.

Sau khi hoàn tất việc xây dựng chùa. Từ năm 1995, những công trình xây dựng độc đáo ở đây đã tạo không gian chùa thành một “thế giới của san hô và ốc biển” bằng các loại ốc biển bỏ đi và những tảng đá san hô chết bắt đầu tiến hành. Cái thế giới lạ lùng, huyền bí ấy lại do chính các nhà sư đang tu hành tại chùa góp công sức tạo nên, ngoại trừ những công trình đòi hỏi chuyên môn mới thuê thợ ngoài.

Ngay cổng vào, một con thuyền độc đáo với tên gọi là thuyền Bát Nhã với những câu Phật dạy khiến cho lòng người như quên đi những huyên náo ồn ào ở bên ngoài, bước vào chùa với cảm giác thanh tịnh... Vòng qua những ô vòng cung, chen trong cây cỏ, khách có thể thăm tháp Bảo Tích với chiều cao 40m, nổi bật trong không gian bởi được tạo nên với biết bao nhiêu loại vỏ sò, ốc và san hô. Tại tháp Bảo Tích là tượng phật nghìn mắt nghìn tay. Trên tháp Bảo Tích là những tượng phật lớn nhỏ lên đến cả trăm. Một khu vực khác có tên “Bát Nhã Hoa viên” với cổ thụ, cây xanh chen cùng nhiều tượng sinh vật biển, thú rừng hài hòa như cảnh an bình, tất cả mọi vật đều sống chung trong đất phật. Trong không gian chùa có rất nhiều tượng sắp đặt rất khéo, những vòm cổng lạ. Thậm chí có một chiếc cầu khi bạn muốn đi qua phải ngồi xuống mà trượt.

Điều du khách tò mò chính là sau khi đã dạo qua một vòng, ngắm cảnh chùa, là sự “tò mò” muốn bước chân vào “Đường xuống địa ngục”... Con đường vào địa ngục là sự dày công, kiên trì kéo dài cho đến tận hôm nay như một cách rèn khí lực của các nhà sư. Để tạo nên con đường vào địa ngục đầy thâm u, hiểm trở dài hơn một cây số, quanh co kia, biết bao nhiêu tảng san hô chết được thu gom, rồi từng ngày các nhà sư gắn kết theo một thiết kế rất khoa học. Cứ mỗi năm, con đường xuống địa ngục lại kéo dài thêm, âm u thêm. Trong vòm đá san hô, con đường vào rất chật hẹp, có nơi chỉ cao chừng 1,2m, muốn bước qua phải khom mình xuống. Để tạo cảm giác, con đường liên tục quanh co, có khi đi vào một hành lang dài, rồi tiếp tục là những con đường vòng cung, có lúc lọt vào trong một trôn ốc, rồi lại bị tụt xuống một lũng sâu đá san hô chất chồng. Trong lập lòe ánh nến là 12 cửa địa ngục với 12 tấm bảng ghi tội của những điều ác khi còn sống ở trần gian. Rồi cũng có chiếc cầu Nại Hà như thuyết nhà phật, là khi bước qua chiếc cầu đó, trở lại trần gian là quên hết mọi điều bên dưới. Bước ra khỏi cửa địa ngục, cảm giác của bạn được hít thở không khí ngoài trời là nhẹ nhõm. Tất nhiên, cảm giác vừa vượt qua một con đường gian nan cũng thật là lý thú.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Nguồn: http://www.baobinhduong.org.vn/detail.aspx?Item=86

Cam Ranh - địa điểm du lịch lý tưởng

Vịnh Cam Ranh

Vị trí: Vịnh Cam Ranh thuộc thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Vịnh Cam Ranh được xem là một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín tới 60km² và độ sâu trung bình 18 - 20m nước.

Vịnh Cam Ranh với vẻ đẹp nguyên sơ mang trải dài như một dải lụa xanh thẳm, chỗ hẹp nhất khoảng 10km, rộng nhất 20km. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín cả phía đông, phía tây. Phía nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn - được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước luôn êm đềm. Du thuyền trên vịnh như "đi trên thảm" bởi không có sóng lớn... Quanh năm nắng ấm chan hòa, bầu trời trong xanh tạo cho mặt vịnh một màu xanh rất dễ chịu.

Thiên nhiên ở vịnh Cam Ranh đẹp gần như còn nguyên sơ: những bãi cát trắng vàng, trải dài mịn màng như chưa bao giờ có dấu chân người (cát ở Cam Ranh có hàm lượng silic và titan rất lớn, từng xuất khẩu sang Nhật Bản để chế tạo thủy tinh), dưới lòng vịnh có những rặng san hô và những đàn cá nhiều màu sắc rất đẹp mắt. Nhưng đẹp nhất vẫn là những quần thể ghềnh đá granit do sự xâm thực của gió, của nước biển đã tạo nên những hình thù chồng chất. Vịnh còn có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, bên cạnh những rặng dừa xanh cao vút, tạo nên nét đặc trưng của miền duyên hải Trung Bộ.

Bán đảo Cam Ranh còn có một ưu thế lớn là trữ lượng nước ngọt đáng kể trong lòng đất (mặc dù ba phía là biển) khiến cho đất đai nơi đây trù phú, phủ kín bởi màu xanh tươi của cây trái. Nơi đây khi mùa xuân về, mai rừng nở rộ cả một khoảng trời. Bán đảo còn là nơi cư trú của nhiều loại thú rừng và không thể không kể đến những loại hải sản nổi tiếng xưa nay như: tôm hùm Bình Ba, sò huyết Thủy Triều...

Vịnh Cam Ranh là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi... Xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió. Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (so với Hải Phòng cách 18 giờ).
Nguồn: http://vnexplore.net/index.php?destination=177

Vịnh Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh - Điểm du lịch lý tưởng













Vịnh Cam Ranh với vẻ đẹp nguyên sơ, đặc trưng duyên hải Trung Bộ, là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như bơi thuyền, lặn biển, câu cá...

"Tôi đã từng đến nhiều vịnh đẹp trên thế giới, nhưng Cam Ranh đã để lại cho tôi ấn tượng bất ngờ, và có lẽ Cam Ranh là vịnh nguyên sơ đẹp và tốt nhất còn sót lại trên hành tinh này" - ông Reidle, chuyên gia Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) nhận xét như vậy.

Từ lâu người ta chỉ biết Cam Ranh như một hải cảng quân sự hơn là một nơi có tiềm năng du lịch. Trong khi thực tế, thiên nhiên Cam Ranh quá đẹp, rất lý tưởng cho việc xây dựng một khu du lịch biển tầm cỡ thế giới. Vịnh Cam Ranh đích thực là một kỳ quan thiên nhiên. Nằm cách thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) 60km về phía nam, vịnh Cam Ranh trải dài như một dải lụa xanh thẳm đẹp đến mê hồn! Đây được xem là một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới cùng với vịnh San Fransico (Mỹ) và vịnh Rio De Janiero (Brazil).

Vịnh Cam Ranh có diện tích gần 60km2. Chỗ hẹp nhất khoảng 10km, rộng nhất 20km, độ sâu trung bình từ 18 - 20m. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín cả phía đông, phía tây. Phía nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn - được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước luôn êm đềm. Du thuyền trên vịnh như "đi trên thảm" bởi không có sóng lớn... Quanh năm nắng ấm chan hòa, bầu trời trong xanh tạo cho mặt vịnh một màu xanh rất dễ chịu. Thiên nhiên ở vịnh Cam Ranh đẹp gần như còn nguyên sơ: những bãi cát trắng vàng, trải dài mịn màng như chưa bao giờ có dấu chân người (cát ở Cam Ranh có hàm lượng silic và titan rất lớn, từng xuất khẩu sang Nhật Bản để chế tạo thủy tinh), dưới lòng vịnh có những rặng san hô và những đàn cá nhiều màu sắc rất đẹp mắt. Nhưng đẹp nhất vẫn là những quần thể ghềnh đá granit do sự xâm thực của gió, của nước biển đã tạo nên những hình thù chồng chất. Vịnh còn có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, bên cạnh những rặng dừa xanh cao vút, tạo nên nét đặc trưng của miền duyên hải Trung Bộ.


Biển Cam Ranh trong xanh quanh năm

Bán đảo Cam Ranh còn có một ưu thế lớn là trữ lượng nước ngọt đáng kể trong lòng đất (mặc dù ba phía là biển) khiến cho đất đai nơi đây trù phú, phủ kín bởi màu xanh tươi của cây trái. Nơi đây khi mùa xuân về, mai rừng nở rộ cả một khoảng trời. Bán đảo còn là nơi cư trú của nhiều loại thú rừng và không thể không kể đến những loại hải sản nổi tiếng xưa nay như: tôm hùm Bình Ba, sò huyết Thủy Triều...

Vịnh Cam Ranh là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi... không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới.

Theo Lifestyle

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

TƯỢNG ĐÀI BÁC HỒ TẠI THỊ XÃ CAM RANH TỈNH KHÁNH HOÀ




Cách đây 62 năm, ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp theo lời mời chính thức của chính phủ Pháp. Cùng đi với Bác, có phái đoàn của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán với chính phủ Pháp.
Ngày 6/7/1946 Hội nghị Phông-ten-nơ-blô khai mạc và kéo dài đến ngày 10/9 bàn về các vấn đề: Địa vị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và nhiều nội dung liên quan đến mối bang giao giữa Việt Nam với các nước liên bang Đông Dương, vấn đề thống nhất 3 kỳ và trưng cầu dân ý ở Nam bộ.
Nhưng do lập trường thực dân của chính phủ Pháp và các hành động gây chiến vi phạm các điều khoản Hiệp định 6/3 của Pháp ở Việt Nam. Vì vậy cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp ở Phông-ten-nơ-blô không đạt kết quả. Phái đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rời Paris vào tối 13/9/1946 và xuống tàu về nước ngày 14/9 tại cảng Mác-xây.
Nhưng để tỏ rõ hơn nữa thái độ thiện chí vì hòa bình của Việt Nam, tranh thủ thêm thời gian hòa hoãn để xây dựng đất nước, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến sắp xảy ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ở lại nước Pháp thêm một thời gian nữa để tiếp tục đàm phán.
Người đã gặp Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariuyt Mute vào trưa 13/9 và đêm 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại đã ký bản Tạm ước 14/9. Bản Tạm ước gồm 11 khoản, trong đó có điều khoản quan trọng nhất là đình chỉ chiến sự ở Miền Nam, quyết định thời gian tiếp tục đàm phán Việt - Pháp vào đầu năm 1947.
Ngày 16/9/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Paris, và ngày 18/9 Người cùng đoàn tùy tùng trên chiến hạm Duy-mông Duyêcvin của Pháp về nước.
Trên đường về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi nhiều thư, điện tín cho bạn bè thân hữu và quan chức của Pháp quốc tiếp tục thể hiện thiện chí hòa bình của Việt Nam.
Ngày 18/10/1946 nhận lời mời của cao ủy Pháp, tàu Duy-mông Duyêcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến vào vịnh Cam Ranh để hội kiến với Đác-giang-liơ và tướng Molie về việc thực hiện Tạm ước 14/9. Hai bên đã thỏa thuận được một số điểm: Đồng ý về việc bổ nhiệm một đại diện của chính phủ Việt Nam để phối hợp thực hiện việc ngừng bắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của Đác-giang-liơ đòi quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút về miền Bắc. Và cuối cùng cuộc hội kiến cũng kết thúc vui vẻ. Đây là lần thứ 2 sau 7 tháng, Cao ủy Đác-giang-liơ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi lễ chính thức trên biển.
Ngày 20/10 tàu Duy-mông Duyêcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hải Phòng. Ngày 21/10 Bác đi chuyến xe lửa đặc biệt về thủ đô Hà Nội. Hai bên đường từ Hải Phòng đến Hà Nội, hàng chục ngàn nhân dân, cờ đỏ sao vàng rợp trời thay mặt cho nhân dân cả nước chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trở về thủ đô Hà Nội.
Chuyến thăm nước Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ chí Minh với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, khách mời đặc biệt của Chính phủ Pháp, là một sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đến vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ. Lần đầu tiên Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được treo ngang hàng với Quốc kỳ Pháp và tung bay trên đất Pháp. Đây cũng là lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp cho đến lúc người đi xa về cõi vĩnh hằng.
Sự kiện ngày 18/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé vào vịnh Cam Ranh hội kiến với cao ủy Pháp Đác-giang-liơ là một mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tại cuộc hội kiến này, Bác đã thể hiện thái độ thiện chí vì hòa bình, nhưng rất cương quyết, bản lĩnh, đấu tranh đến cùng vì độc lập, tự do của dân tộc. Kể từ năm 1911, khi Người rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng, thì đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Người trở lại miền Trung. Vì vậy sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng này không chỉ đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa mà còn đối với toàn thể nhân dân miền Nam.

Để ghi lại và thể hiện sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng này bằng hình tượng nghệ thuật, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với dân tộc, thể hiện tình cảm kính trọng và biết ơn của nhân dân cả nước nói chung. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới. Bằng tài năng và trí tuệ, với tất cả tình cảm yêu quý và kính trọng đối với Bác của các nhà điêu khắc tiêu biểu trong cả nước. Sau một năm hưởng ứng cuộc thi “Sáng tác phác thảo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Cam Ranh”. Với sự tham gia của 16 nhóm tác giả, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Sau 3 vòng tuyển chọn, Hội đồng Nghệ thuật tượng đài và Tranh hoành tráng của tỉnh đã chọn phác thảo của nhà điêu khắc Trần Việt Hưng ở thành phố Hồ Chí Minh để thể hiện tượng đài. Sau 5 tháng triển khai thi công, gần 100m3 đá hoa cương khô cứng, hai mươi nhà điêu khắc và nghệ nhân có chuyên môn giỏi đã làm việc hết mình, nghiêm túc, cẩn trọng đến từng chi tiết, bóc tách, lược bỏ những phần dư thừa của khối đá, để hoàn thành tác phẩm.
Với chiều cao của tượng là 3,9m; chiều cao bệ tượng 4m, bằng ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, hình tượng được khái quát cao, khối, hình tinh giản, khúc triết, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư thế vững chãi, tay phải duỗi căng, nắm chặt như đang bước về phía trước, vầng trán cao lồng lộng, thanh thản, nhưng cương quyết, thể hiện ý chí của Bác tại cuộc hội kiến với cao ủy Đác-giang-liơ trước thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc “Cương quyết không rút quân đội của Việt Nam tại miền Nam ra miền Bắc”. Sự cương quyết đến đanh thép, nhưng Bác vẫn ung dung, lạc quan, tự tin vào vận mệnh của đất nước.
Toàn bộ tượng được bố cục vững chãi trên bệ là khối đá hoa cương, gợi mũi con tàu và sóng biển Cam Ranh nơi mà 62 năm trước, đã diễn ra sự kiện trọng đại này. Với kết cấu chặt chẽ, hình tượng thật đặc trưng, tiêu biểu, ý tưởng cô động, dễ hiểu, gợi cho người xem liên tưởng, cảm nhận về một thời khắc lịch sử thật cam go của dân tộc, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cầm lái vĩ đại.
Để làm rõ nội dung của chủ đề, tạo cho bố cục tổng thể tượng đài chặt chẽ, hài hòa với không gian hiện có. Phía sau tượng đài là mảng phù điêu của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, với diện tích gần 100m2, bằng chất liệu bê tông giả đá, gợi cho người xem cảm nhận một thời kỳ thật oanh liệt, hào hùng về truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày nay trong công cuộc đổi mới và hội nhập, phát huy sức mạnh tổng hợp, bằng nội lực của chính mình, Khánh Hòa đang cất cánh cùng cả nước. Phù điêu là một bản hùng ca, góp phần nâng cao giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tượng đài, là biểu tượng thật khái quát, cô đọng về Khánh Hòa hôm qua, hôm nay và ngày mai. Một Khánh Hòa giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên cường, bất khuất. Một Khánh Hòa năng động, sáng tạo, tiềm năng và nhiều triển vọng trong hội nhập và phát triển.
Trong không gian rộng lớn của công viên, những rặng tre la ngà, hàng cây vạn tuế, những bông sứ đỏ và những chùm dâm bụt, là sản vật đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được bố cục hài hòa, quây quần bên tượng Bác, tạo nên không gian văn hóa, ấm cúng, tôn nghiêm. Rồi đây công viên 18/10 của thị xã Cam Ranh sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa sang trọng, là nơi để tuổi trẻ Khánh Hòa và tuổi trẻ cả nước kính dâng lên Bác những chiến công, những thành tựu đã nỗ lược phấn đấu đạt được trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Quyết đưa đất nước vươn lên sánh vai cùng bạn bè năm châu, bốn biển để thỏa lòng mong ước của Bác, là nơi đón tiếp các thế hệ con cháu trên khắp mọi miền đất nước, kiều bào và du khách quốc tế đến tham quan, chiêm bái. Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Cam Ranh là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoành tráng, có giá trị trường tồn về cả nội dung và hình thức, thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Nguồn: Sở VHTT&DL Khánh Hoà

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

CHÙA TỪ VÂN


Huy Hiền sưu tầm


Được xây dựng từ năm 1968, trải qua những biến cố lịch sử của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, chùa Từ Vân không chỉ là chốn tu hành thanh tịnh của các nhà sư, mà đã trở thành những danh lam thắng cảnh, thu hút đông đảo phật tử và du khách tham quan đến từ nhiều vùng miền của đất nước.
Được xây dựng từ năm 1968, trải qua những biến cố lịch sử của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, chùa Từ Vân không chỉ là chốn tu hành thanh tịnh của các nhà sư, mà đã trở thành những danh lam thắng cảnh, thu hút đông đảo phật tử và du khách tham quan đến từ nhiều vùng miền của đất nước.
Chùa Từ Vân nằm trên địa bàn thị xã Cam Ranh, cách trung tâm thành phố Nha Trang khỏang 60km. Cũng như các chùa nổi tiếng khác như: Chùa Long Sơn ở Nha Trang, chùa Giác Hải ở Vạn Ninh, ngôi chùa Từ Vân Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng, là những điểm du lịch văn hóa trong tỉnh Khánh Hòa. Một trong những điểm độc đáo của Chùa Từ Vân Cam Ranh thu hút khách thập phương là cảnh quan của chùa, một ngôi chùa mang đầy phong vị của biển cả. Đó là các kiến trúc tòa tháp, vườn hoa, đều được xây dựng từ những viên đá san hô và những vỏ sò, vỏ ốc. Cảnh quan ở đây tạo nên một không gian yên bình và lạ mắt, đối với thú thưởng ngoạn của du khách, khi ngắm nhìn các công trình tòa tháp, do tự tay các nhà sư thiết kế và xây dựng nên. Kiến trúc.
Khi bước vào chùa Từ Vân, du khách sẽ có một cảm nhận rằng, bất cứ nơi nào cũng có những họa tiết, những hình tượng, được trang trí bằng san hô, vỏ sò, vỏ ốc, đặc biệt là Tháp Bảo Tích, một công trình khá công phu do các nhà sư ở chùa xây dựng nên. Do đó cái tên Chùa Óc được người dân nơi đây dùng nhiều hơn để nói về chùa Từ Vân ở Cam Ranh.
Tháp Bảo Tích được xây dựng từ năm 1995. Nhưng để hòan thành, các nhà sư ở chùa phải mất 5 năm xây dựng, từ việc thiết kế, thu gom và mua nguyên vật liệu, đến việc xây cất tòa tháp, với độ cao 39m. Điều đặc biệt là với độ cao của một tòa tháp như thế, các nhà sư ở đây không có sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị chuyên dụng trong ngành xây dựng, tất cả đều làm thủ công, sự dẻo dai và bền bỉ của sức người. Theo chủ ý của Hòa thượng Thích Thông Anh, trụ trì chùa Từ Vân thì làm công trình này vừa để rèn luyện khí lực, trí lực, thể lực, tâm lực cho các nhà sư, vừa tạo ra một công trình lạ mắt, hấp dẫn do du khách thập phương khi đến vãng cảnh chùa.
Bên cạnh tháp Bảo tích, du khách khi đến tham quan chùa Từ Vân không thể nào bỏ qua hành trình xuống 18 tầng địa ngục. Trên suốt chặng đường hầm tối đen, ẩm thấp, khúc khuỷu,bước qua từng cửa ngục, du khách sẽ biết được những lời giáo huấn, đối với từng tội danh khác nhau. Vừa chinh phục đường hầm giống như vào địa đạo Củ Chi để tìm một chút cảm giác mạo hiểm, vừa nhắc nhở mình không làm những việc sai trái ở đời, đó là cách làm hay của các nhà sư ở đây.
Mặc dù ngành Du lịch Khánh Hòa hiện nay vẫn đang chú trọng khai thác các điều kiện thiên nhiên của biển đảo để phục vụ du khách. Song trong thời gian gần đây, những người làm du lịch Khánh Hòa đang dần quan tâm hơn trong việc chuyển tải những nét đẹp văn hóa về âm nhạc, làng nghề, kiến trúc vào các tour tham quan cho du khách. Những danh thắng, đặc biệt là những ngôi chùa cổ, chùa đẹp ở Khánh Hòa được chú ý đưa vào tour tham quan chắc chắn sẽ đem đến cho du khách những cảm nhận sâu sắc và đầy đủ hơn về vùng đất Khánh Hòa.